Lời nói đầu
QCVN 48: 2012/BTNMT do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản biên soạn; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường trình phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 24/2012/BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2012.
1. Quy định chung
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định việc sử dụng mẫu chuẩn được chứng nhận trong phân tích địa chất khoáng sản rắn thuộc các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phân tích thí nghiệm mẫu địa chất, khoáng sản rắn phục vụ cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này các thuật ngữ được hiểu như sau:
1.3.1. Mẫu chuẩn là mẫu có độ đồng nhất về thành phần và ổn định nhất định về hàm lượng đối với một hoặc một số thành phần của các loại đất, đá, quặng được sử dụng để đánh giá chất lượng, phương pháp phân tích.
Mẫu chuẩn trong Quy chuẩn này bao gồm mẫu chuẩn cơ sở, mẫu chuẩn quốc gia.
1.3.2. Mẫu chuẩn cơ sở là mẫu chuẩn được chế tạo từ đất, đá hoặc quặng do đơn vị, tổ chức có phòng thí nghiệm công bố được dùng làm giá trị chuẩn trong phạm vi đơn vị phòng thí nghiệm thực hiện.
1.3.3. Mẫu chuẩn quốc gia là mẫu chuẩn được chế tạo từ đất, đá hoặc quặng theo quy trình đã được phê duyệt, do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê chuẩn, được dùng làm cơ sở ấn định giá trị chuẩn trong phạm vi quốc gia.
1.3.4. Mẫu cơ bản là mẫu đã được gia công, được lấy ra một phần đại diện để phân tích theo yêu cầu của người gửi mẫu.
1.3.5. Lô mẫu phân tích là tập mẫu được thành lập từ mẫu cơ bản kết hợp với các loại mẫu kiểm soát chất lượng, trong đó có mẫu chuẩn; mỗi lô mẫu có số mẫu cơ bản không quá 30 mẫu.
2. Quy định về kỹ thuật
2.1. Yêu cầu chung đối với các loại mẫu chuẩn được sử dụng
2.1.1. Mỗi mẫu chuẩn phải có lý lịch ghi rõ các thông tin về mẫu bao gồm: loại mẫu (cơ sở hoặc quốc gia), nguồn gốc, hàm lượng phê chuẩn, cơ quan chế tạo, cơ quan phê chuẩn, thời hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng. Trên từng bao bì đựng mẫu có ghi rõ ký mã hiệu mẫu chuẩn, ngày tháng chế tạo, thời hạn sử dụng.
2.1.2. Nguyên tắc sử dụng mẫu chuẩn
2.1.2.1. Mẫu chuẩn quốc gia được sử dụng:
– Tiêu chuẩn hóa/chuẩn hóa các mẫu chuẩn cơ sở.
– Xác định giá trị của những phương pháp phân tích mới.
– Kiểm định quy trình, thiết bị, phương tiện phân tích.
– Kiểm tra trọng tài chất lượng phân tích của các phòng thí nghiệm.
– Kiểm soát chất lượng phân tích theo lô mẫu của phòng thí nghiệm và các đề án địa chất.
2.1.2.2. Mẫu chuẩn cơ sở
– Xác định giá trị của những phương pháp phân tích mới trong phạm vi phòng thí nghiệm.
– Trợ giúp công tác kiểm soát chất lượng của phòng thí nghiệm.
2.1.2.3. Mẫu chuẩn quốc gia
– Tiêu chuẩn hóa/chuẩn hóa các mẫu chuẩn cơ sở.
– Xác định giá trị của những phương pháp phân tích mới; khẳng định độ tin cậy của các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia.
– Kiểm định thiết bị, phương tiện đo.
– Kiểm tra trọng tài chất lượng phân tích của các phòng thí nghiệm.
– Kiểm soát chất lượng phân tích theo lô mẫu của phòng thí nghiệm; các đề án địa chất và các mục đích khác (khi có nhu cầu) trong phạm vi quốc gia.
2.2. Sử dụng mẫu chuẩn trong kiểm soát chất lượng phân tích theo lô mẫu
2.2.1. Mẫu chuẩn được sử dụng kiểm soát chất lượng phân tích theo lô mẫu phải có thành phần có ích, có hại đã biết tương đồng với đối tượng mẫu cơ bản; trong trường hợp kết quả phân tích xác định trong lô mẫu có nhiều khoảng hàm lượng, đơn vị phân tích mẫu phải bổ sung mẫu chuẩn đủ đại diện các khoảng hàm lượng để kiểm soát chất lượng.
2.2.2. Khi tiến hành gửi mẫu, mẫu chuẩn được gửi cùng với lô mẫu phân tích.
2.2.3. Mẫu chuẩn phân tích kèm theo lô mẫu phải được mã hóa.
2.3. Xử lý và đánh giá kết quả phân tích mẫu chuẩn theo lô mẫu
…
Nguồn: Bộ tài nguyên và môi trường