QUY ĐỊNH VỀ GIẢI THƯỞNG MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật thi đua, Khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng số 47/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng số 39/2013/QH 13 ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam,
Thông tư này quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thang điểm, điều kiện, quy trình, thủ tục xét và tổ chức trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam (sau đây gọi tắt là Giải thưởng).
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Một số từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. Tổ chức gồm cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong nước và các tổ chức của người nước ngoài có tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân gồm người Việt Nam và người nước ngoài có năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian thi hành án theo quy định của Pháp Luật.
3. Cộng đồng gồm nhóm dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
1. Việc xét tặng Giải thưởng phải được thực hiện đúng đối tượng, điều kiện, quy trình xét tặng được quy định tại Thông tư này; đảm bảo chính xác, công khai dân chủ khách quan.
2. Giải thưởng ghi nhận và tôn vinh những tổ chức, cá nhân và cộng đồng có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
3. Không xét tặng Giải thưởng cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã được trao tặng Giải thưởng lần trước liền kề.
4. Trong kỳ xét tặng Giải thưởng, mỗi cơ quan, đơn vị chỉ được trao tặng 01 Giải thưởng (tập thể hoặc cá nhân).
Điều 5. Hình thức, số lượng và cơ cấu giải thưởng
1. Giải thưởng Môi trường Việt Nam là Giải thưởng duy nhất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao tặng cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Việt Nam có đủ điều kiện xét tặng được quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
2. Giải thưởng được tổ chức xét tặng 02 (hai) năm một lần.
3. Lĩnh vực tham gia xét tặng Giải thưởng chia thành 6 nhóm:
a) Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;
b) Giáo dục, đào tạo, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
d) Phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường;
đ) Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học;
e) Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Số lượng, cơ cấu Giải thưởng:
a) Số lượng Giải thưởng mỗi lần tổ chức trao không quá 50 giải cho 03 (ba) loại: tổ chức, cá nhân và cộng đồng thuộc các lĩnh vực tham gia xét tặng chia thành 06 (sáu) nhóm đối tượng được quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Cơ cấu Giải thưởng cụ thể cho 03 (ba) loại và 6 nhóm đối tượng do Ban tổ chức đề xuất Bộ trưởng quyết định trong mỗi lần tổ chức xét tặng Giải thưởng.
ĐIỀU KIỆN VÀ QUY TRÌNH XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Tổ chức, cá nhân và cộng đồng đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng đáp ứng đủ điều kiện sau:
1. Đối với tổ chức
a) Đã hoạt động, sản xuất, kinh doanh liên tục tại Việt Nam, không vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong thời gian ít nhất 04 (bốn) năm, tính đến thời điểm đăng ký xét tặng Giải thưởng;
b) Tự nguyện đăng ký hoặc được một cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp giới thiệu tham gia xét tặng Giải thưởng;
c) Có thành tích xuất sắc được xã hội công nhận, giải quyết thành công ít nhất một vấn đề môi trường đặc thù hay thúc đẩy tiến bộ trong hoạt động bảo vệ môi trường thuộc một trong các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này;
2. Đối với cá nhân và cộng đồng
a) Không vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong thời gian ít nhất 3 (ba) năm, tính đến thời điểm đăng ký xét tặng Giải thưởng;
b) Tự nguyện đăng ký hoặc được một cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp giới thiệu tham gia xét tặng Giải thưởng;
c) Có thành tích xuất sắc, là tấm gương điển hình được mọi người noi theo thuộc một trong các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này;
Điều 7. Tiêu chí và thang điểm xét tặng
Tổ chức, cá nhân và cộng đồng được xem xét tặng Giải thưởng theo các tiêu chí và thang điểm sau:
1. Đối với tổ chức
a) Đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường: tối đa là 40 điểm;
b) Tính hiệu quả về kinh tế, xã hội: tối đa là 30 điểm;
c) Quy mô và phạm vi ảnh hưởng: tối đa là 15 điểm;
d) Tính liên tục và thời gian tác động: tối đa 10 điểm;
đ) Lập thành tích về bảo vệ môi trường tại vùng sâu, vùng xa: 05 điểm.
2. Đối với cá nhân và cộng đồng
a) Đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường: tối đa là 40 điểm;
b) Tính hiệu quả về kinh tế, xã hội: tối đa là 30 điểm;
c) Tính điển hình và ảnh hưởng đối với cộng đồng: tối đa là 15 điểm;
d) Tính sáng tạo: tối đa là 10 điểm;
đ) Lập thành tích về bảo vệ môi trường tại vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số: 05 điểm.
Điều 8. Hồ sơ xét tặng Giải thưởng
1. Bản đăng ký tham dự theo mẫu tại Phụ lục 1a (đối với tổ chức) hoặc 1b (đối với cá nhân) hoặc1c (đối với cộng đồng) kèm theo Thông tư này.
2. Báo cáo thành tích theo các tiêu chí xét tặng Giải thưởng quy định tại Điều 7 của Thông tư này được lập theo mẫu tại Phụ lục 2a (đối với tổ chức) hoặc 2b (đối với cá nhân) hoặc 2c (đối với cộng đồng) kèm theo Thông tư này. Báo cáo thành tích phải có xác nhận của Bộ, ngành, Hội Trung ương quản lý trực tiếp hoặc xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Tài liệu chứng minh thành tích, kết quả áp dụng trong thực tiễn thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này gửi kèm báo cáo thành tích gồm các loại sau (nếu có): Bằng khen, Giấy khen, giấy chứng nhận thành tích, sáng kiến, sáng tạo về lĩnh vực môi trường, ảnh, đĩa hình chứng minh thành tích xuất sắc của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, các loại văn bản chứng minh tuân thủ luật pháp của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
4. Hai (02) ảnh cỡ 4×6 của cá nhân, biểu tượng của tổ chức hoặc ảnh chụp đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị.
Điều 9. Quy trình xét và Quyết định tặng Giải thưởng
1. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, gửi về Cơ quan thường trực Giải thưởng (Tổng cục Môi trường) trước ngày 30 tháng 3 của năm xét tặng Giải thưởng.
2. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Tổng cục Môi trường yêu cầu tổ chức, cá nhân, cộng đồng bổ sung, hoàn chỉnh trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ.
3. Tổng cục Môi trường phân loại hồ sơ theo từng lĩnh vực xét tặng Giải thưởng và chuyển tới các thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc trước buổi họp đầu tiên của Hội đồng.
4. Xét tặng Giải thưởng được tổ chức qua 02 (hai) vòng:
Vòng 1: Hội đồng chia thành các Tiểu ban theo nhóm lĩnh vực xét tặng Giải thưởng; Chủ tịch Hội đồng quyết định việc thành lập các Tiểu ban và phân hồ sơ cho các Tiểu ban. Các thành viên trong Tiểu ban tiếp nhận hồ sơ, tiến hành đánh giá, thảo luận và chấm điểm từng hồ sơ theo tiêu chí quy định tại Điều 9 của Thông tư này. Sau khi xem xét, đánh giá tổng hợp và tính điểm trung bình đối với từng hồ sơ, các Tiểu ban tổng hợp, lập danh sách các tổ chức, cá nhân có số điểm trung bình đạt từ 70 điểm trở lên để xét tiếp ở vòng 2.
Vòng 2: Hội đồng làm việc tập thể để xem xét từng hồ sơ có số điểm từ 70 trở lên do Ban Thư ký tổng hợp và trình Hội đồng. Các thành viên Hội đồng tiến hành đánh giá, thảo luận và chấm điểm từng hồ sơ theo tiêu chí quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Mức chênh lệch số điểm giữa các thành viên Hội đồng cho cùng một hồ sơ không được quá 20 điểm; trường hợp mức chênh lệch số điểm cho cùng một hồ sơ lớn hơn 20 điểm, Hội đồng sẽ thảo luận và thông qua phương án tính điểm trung bình bằng hình thức biểu quyết. Sau khi xem xét, đánh giá tổng hợp và tính điểm trung bình đối với từng hồ sơ, Hội đồng lập danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp.
5. Trên cơ sở danh sách do Hội đồng xét tặng, Cơ quan thường trực Giải thưởng (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh, thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định tặng Giải thưởng cho tập thể, cá nhân và cộng đồng.
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Số lượng thành viên của Hội đồng không ít hơn 15 người. Hội đồng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xét chọn các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường đề nghị Bộ trưởng xem xét, quyết định tặng Giải thưởng.
2. Hội đồng gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng, cụ thể như sau:
a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng Thường trực: Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường;
c) Phó Chủ tịch Hội đồng: Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền;
d) Các Thành viên Hội đồng bao gồm:
– Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên;
– Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên;
– Đại diện cơ quan Thông tấn, báo chí Trung ương, thành viên;
– Đại diện tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, thành viên;
– Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên;
– Các thành viên khác của Hội đồng là chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, giáo dục thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng.
đ) Ban Thư ký Hội đồng do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường quyết định thành lập.
3. Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều khiển các phiên họp của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên tham dự. Quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất ba phần tư (3/4) số thành viên Hội đồng có mặt đồng ý.
4. Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng; Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm thay mặt Hội đồng báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả làm việc và đề xuất của Hội đồng về việc trao Giải thưởng.
TỔ CHỨC LỄ TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG VÀ KINH PHÍ
1. Lễ trao tặng Giải thưởng được tổ chức vào dịp ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6) của năm xét tặng Giải thưởng.
2. Lễ trao tặng Giải thưởng được tổ chức trang trọng, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tôn vinh các tổ chức, cá nhân và cộng đồng.
1. Kinh phí cho việc tổ chức và trao giải thưởng được chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác chi chợ các hoạt động sau:
a) Hoạt động của Hội đồng, Cơ quan thường trực Giải thưởng, Ban Thư ký;
b) Chế tác Biểu trưng của Giải thưởng và in ấn Bằng chứng nhận;
c) Tổ chức lễ trao Giải thưởng;
d) Tiền thưởng kèm theo Giải thưởng.
2. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí tài trợ được thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tổ chức, cá nhân và cộng đồng được tiếp nhận hồ sơ xét tặng Giải thưởng không được đóng góp kinh phí để tổ chức xét tặng Giải thưởng và các hoạt động có liên quan.
Điều 13. Quyền lợi của tổ chức, cá nhân và cộng đồng
1. Được tặng Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Biểu trưng của Giải thưởng.
2. Được thưởng tiền hoặc hiện vật theo quy định hiện hành.
3. Được tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm đạt giải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Được khai thác, sử dụng Logo Giải thưởng kể từ khi được trao giải.
5. Được in ấn phẩm để quảng bá sản phẩm tại các thị trường trong nước và quốc tế.
Điều 14. Hủy quyết định tặng Giải thưởng và thu hồi hiện vật
1. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân và cộng đồng không trung thực trong việc lập hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng thì bị hủy bỏ quyết định tặng Giải thưởng, bị thu hồi toàn bộ hiện vật, tiền thưởng và không được hưởng các quyền lợi sau khi được tặng Giải thưởng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
2. Việc thu hồi Giải thưởng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Giao Thủ trưởng đơn vị trình xét tặng Giải thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật, tiền thưởng giao nộp về Cơ quan thường trực Giải thưởng.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2016.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2010/TT-BTNMT ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam
1. Tổng cục Môi trường là Cơ quan thường trực Giải thưởng, chủ trì, phối hợp với Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng kế hoạch và triển khai phổ biến, truyền thông về Giải thưởng;
b) Chủ trì và phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Môi trường tổ chức phát động, hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia xét tặng Giải thưởng theo quy định của pháp luật;
c) Công bố tiêu chí Giải thưởng; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng; trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng và danh sách tổ chức, cá nhân và cộng đồng đề nghị tặng Giải thưởng; tổ chức công bố và trao Giải thưởng; công bố những chủ đề và lĩnh vực ưu tiên của lần trao giải tiếp theo.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức ‘thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) để xem xét, giải quyết./.
Nguồn: Bộ tài nguyên và môi trường