Cách xử lý thủy hải sản chết
Tài liệu do các chuyên gia môi trường, các cá nhân và tổ chức trong nhóm các tổ chức ngoài nhà nước hỗ trợ ứng phó với sự cố môi trường Miền Trung đã chọn lựa cẩn thận và trên kinh nghiệm xử lý chất thải ở Việt Nam xây dựng. Nếu có gì sơ suất và cần chỉnh sửa, rất mong nhận được ý kiến đóng góp về thehexanh@livelearn.org!
1. Thuyết minh
– Có 2 kịch bản:
+ Kịch bản 1: cá chết do nhiễm kim loại nặng
+ Kịch bản 2: cá chết do tảo đỏ
Hiện tượng cá chết
Vì chưa xác định nguyên nhân cá chết nên sẽ chọn kịch bản xấu nhất là cá chết do nhiễm kim loại nặng như Chromium (IV) thường có trong nước thải các nhà máy thép, hay Arsen.
– Kim loại nặng thuộc thành phần chất thải nguy hại nên cách xử lý cực kỳ khó khăn và đòi hỏi đúng quy trình từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì hiện tại chưa xác định chính xác chất gì, nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp bằng tay với xác cá chết, vì có thể gây ngộ độc. Cũng không nên hướng dẫn người dân chôn lấp cá chết gần nhà hay gần biển, càng nên tránh xa nguồn nước ngầm, vì khi cá phân hủy, nước rỉ từ cá nếu có chứa kim loại nặng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, rất nguy hiểm.
– Người dân và Tình nguyện viên sẽ thực hiện công tác thu gom và vận chuyển từ khu dân cư đến nơi tập kết đã quy định trước. Phần vận chuyển cá chết từ nơi tập kết (trung chuyển) đến nơi xử lý chất thải nguy hại phải được thực hiện do công ty Môi trường Đô thị với xe vận chuyển chuyên dụng, tránh rỉ nước trên đường.
– Cách xử lý chất thải nguy hại của các công ty MTĐT (tham khảo, vì họ có quy trình riêng): vận chuyển bằng xe kín, chở đến lò đốt chất thải nguy hại với nhiệt độ đốt trên 1000oC, tro sau khi đốt sẽ thu gom lại, bê tông hóa và chôn lấp ở khu dành riêng cho chất thải nguy hại. Vì vậy, ở hộ gia đình không nên khuyến khích người dân đốt, sẽ phát sinh khí độc ảnh hưởng môi trường xung quanh.
2. Cách thu gom và vận chuyển: áp dụng cho hộ gia đình và Tình nguyện viên
Thu gom
– Dụng cụ:
- Khẩu trang y tế
- Găng tay cao su loại nhỏ (loại dành cho y tế)
- Găng tay cao su loại to (loại dành cho các bà nội trợ để rửa chén)
- Vợt, rổ, kẹp rác hay xiên rác (loại trên thị trường là cây xiên thịt nướng bằng inox) đế vớt cá (hạn chế tiếp xúc bằng tay)
- Túi ni lông màu vàng (màu này ám chỉ chất thải nguy hại) loại to, thắt gút
- Áo mưa loại mỏng
- Vôi bột
- Dây thun
– Quy định: hạn chế sử dụng tay hay tiếp xúc trực tiếp với cá chết.
– Quy trình thu gom cá chết:
- B1: Mặc áo mưa
- B2: Đeo khẩu trang
- B3: Đeo bao tay: đeo bao tay y tế vào trước, đeo găng tay cao su sau, dùng thun cột chặt để tránh nước chảy vào
- B4: Dùng dụng cụ sẵn có (rổ, kẹp, xiên hay vợt) để bỏ cá vào túi ni lông.
- B5: Sau khi túi ni lông gần đầy, rắc vôi bột lên, thắt gút miệng túi, tròng thêm 1 túi theo chiều ngược lại và thắt gút để hạn chế nước rỉ ra, và phát sinh mùi hôi. Bước này rất quan trọng vì nước rỉ rác ra hay mùi phát sinh sẽ ảnh hưởng đến người dân trong trường hợp công ty MTĐT chưa kịp đến thu gom.
- B6: Sau khi kết thúc việc thu gom, rửa tay bằng xà bông và xả nước trên 10 giây.
Cách xử lý khi cá chết
Vận chuyển đến bãi tập kết
– Nơi tập kết túi cá chết phải được người dân đồng ý để làm bãi tập kết, hoặc là bãi trung chuyển rác đã có sẵn, tránh xa khu vực dân cư hay khu vực gần biển, nước ngầm. Nếu có thể, dán nhãn “CÁ CHẾT” lên các túi cá chết để người dân biết.
– Sử dụng các phương tiện sẵn có (xe ba gác, xe đẩy tay, hay thậm chí là xe đạp) vận chuyển các túi cá chết. Lưu ý: hạn chế nước rỉ đến mức tối đa.
3. Các khuyến cáo khác
– Không Ăn cá nhiễm độc
– Không Bán cá nhiễm độc
– Không Dùng cá nhiễm độc làm phân bón cây
– Không Cho gia súc ăn cá nhiễm độc
– Không Làm nước mắm từ nhiễm độc

Thực hiện 5 không với cá chết